Trầm cảm là một bệnh lý ảnh hưởng đến cách quý vị cảm nhận, suy nghĩ và hành động. Khi bị bệnh trầm cảm, quý vị có thể có ít năng lượng hơn. Quý vị có thể mất hứng thú với các hoạt động hàng ngày, và quý vị có thể cảm thấy chán nản và hay cáu kỉnh trong một thời gian dài. Trầm cảm rất phổ biến. Nó ảnh hưởng đến cả nam và nữ ở mọi độ tuổi.
Nhiều người bị trầm cảm không nhận trợ giúp vì cảm thấy xấu hổ hoặc nghĩ rằng họ sẽ tự vượt qua được chứng bệnh này. Đây là sai lầm, vì việc điều trị có tác dụng tốt với hầu hết mọi người.
Nếu quý vị nghĩ quý vị có thể mắc bệnh trầm cảm, hãy trao đổi với bác sĩ của quý vị. Trầm cảm không phải là điều mà quý vị phải chung sống.
Nguyên nhân gây nên trầm cảm là gì?
Trầm cảm là do những biến đổi về hóa chất tự nhiên trong não của quý vị gây ra. Đây không phải là một khiếm khuyết trong tính cách và quý vị không phải là một người xấu hay một người yếu ớt khi mắc phải căn bệnh này. Trầm cảm không có nghĩa là quý vị sẽ phát điên.
Nhiều yếu tố khác nhau có thể gây trầm cảm. Một số người trở nên trầm cảm sau khi họ bị đột quỵ hoặc phát hiện ra rằng họ mắc bệnh nặng như ung thư hoặc bệnh tim. Mất người thân, chia tay, các vấn đề tài chính hoặc các vấn đề nội tiết tố có thể gây ra chứng trầm cảm. Trầm cảm có thể di truyền trong gia đình.
Các triệu chứng của trầm cảm là gì?
Trầm cảm ảnh hưởng đến con người theo nhiều cách khác nhau. Quý vị có thể cảm thấy tuyệt vọng và chán nản hoặc không cảm thấy hài lòng với hầu hết mọi thứ quý vị làm. Quý vị có thể thấy "buồn chán", muốn khóc hoặc nản lòng. Quý vị cũng có thể hay cáu kỉnh hoặc lo lắng hoặc thiếu sức sống.
Quý vị có thể có các triệu chứng khác, ví dụ như:
Quý vị giảm hoặc tăng cân.
Quý vị ngủ quá nhiều hoặc ngủ không đủ.
Quý vị cảm thấy bồn chồn và không thể ngồi yên, hoặc quý vị cảm thấy vận động tốn nhiều sức lực.
Quý vị luôn cảm thấy mệt mỏi.
Quý vị cảm thấy không xứng đáng hay tội lỗi mà không có lý do.
Quý vị gặp vấn đề về khả năng tập trung, ghi nhớ hoặc ra quyết định.
Quý vị thường nghĩ đến cái chết hoặc tự tử.
Quý vị cảm thấy bị choáng ngợp.
Những người nào bị trầm cảm?
Bất kỳ ai cũng có thể bị trầm cảm. Độ tuổi, chủng tộc hoặc tình trạng xã hội của quý vị không có ảnh hưởng.
Trầm cảm có thể điều trị được không?
Tư vấn và thuốc thường có tác dụng điều trị trầm cảm. Đôi khi, chỉ tư vấn cũng đủ. Thông thường, việc kết hợp cả hai có tác dụng tốt nhất.
Quý vị có thể bắt đầu thấy đỡ hơn trong 1 đến 3 tuần kể từ khi uống thuốc chống trầm cảm. Nhưng có thể cần 6 đến 8 tuần để thấy tiến triển thêm. Nếu quý vị có vấn đề hoặc quan ngại về thuốc của mình, hoặc quý vị không thấy bất kỳ tiến triển nào trong vòng 3 tuần, hãy nói chuyện với bác sĩ. Hãy cố gắng kiên nhẫn. Có nhiều thuốc chống trầm cảm. Chúng hoạt động theo nhiều cách khác nhau và có tác dụng phụ khác nhau. Quý vị có thể thử một vài thuốc khác nhau trước khi tìm ra loại phù hợp nhất với mình.
Việc uống thuốc trong ít nhất 6 tháng sau khi quý vị thấy khá hơn có thể giúp quý vị không bị trầm cảm lại. Bác sĩ của quý vị có thể muốn quý vị dùng các thuốc này lâu hơn.
Tư vấn, đôi khi được gọi là trị liệu học hoặc liệu pháp điều trị tâm lý, cũng có ích tốt như thuốc cho hầu hết các trường hợp trầm cảm. Một loại tư vấn được gọi là liệu pháp nhận thức hành vi không chỉ giúp điều trị trầm cảm mà còn có thể giúp ngăn chặn bệnh quay trở lại. Trong liệu pháp điều trị này, quý vị học cách phát hiện và thay đổi những lối suy nghĩ vô ích có thể làm tăng chứng trầm cảm của quý vị. Liệu pháp này được thực hiện bởi các chuyên gia sức khỏe tâm thần có giấy phép, chẳng hạn như nhà tâm lý học, nhân viên xã hội và chuyên gia trị liệu. Liệu pháp này có thể thực hiện theo các buổi gặp mặt trực tiếp hai người hoặc theo nhóm. Hầu hết mọi người thấy hữu ích khi tham gia các buổi gặp mặt nhóm, nhưng điều đó tùy thuộc vào quý vị.
Thói quen sống lành mạnh như tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh, không uống rượu và ngủ đủ giấc cũng có thể giúp quý vị. Hãy trao đổi với bác sĩ về những điều này và các cách khác để giúp quý vị cảm thấy khá hơn. Hãy nhờ gia đình và bạn bè hỗ trợ.
Quý vị có bất kỳ thắc mắc hay lo ngại nào sau khi đọc thông tin này không? Quý vị nên ghi lại những điều quý vị còn băn khoăn và mang theo khi đến thăm khám bác sĩ lần tiếp theo.